Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

[ZH] Phiên âm Pinyin Tiếng Hoa - 中文拼音

Nhằm phục vụ cho việc ghi âm tiếng Hoa, bên cạnh 1 số phương thức như Wales-Gile, Chú âm phù hiệu,… thì phiên Bính âm Pinyin sẽ thuận tiện cho người học vì nó khá thống nhất và dễ, là 1 bước quan trọng cho người nước ngoài học tiếng Hoa cũng như gõ được chữ trên máy tính một cách nhanh chóng.
Sau đây bao gồm các kí tự latin và phiên âm quốc tế của tiếng Hoa chuẩn, cùng diễn giải trong tiếng Việt, có sự so sánh với tiếng Anh để người học dễ hình dung.
Lưu ý phần sau đây có thể không khớp nếu so sánh với tiếng Hoa địa phương, nó chỉ áp dụng cho tiếng Hoa phổ thông (tiếng Quan Thoại).
  • A a: /a/   Đọc giống hệt chữ a tiếng Việt, như ba, má,…
  • B b: /b/   Như chữ p phở của tiếng Việt, không bật hơi. Lưu ý không đọc thành b bò, tiếng Hoa không có âm này.
  • C c: /ts'/   Là một âm khó khi học tiếng Hoa vì không có âm tương ứng trong tiếng Việt lẫn tiếng Anh, lúc đọc đặt lưỡi ở sau răng và nhấn hơi nhẹ, gần như là sự pha trộn giữa x và t, nghe sẽ như là ch nhẹ.
  • D d: /d/   Hoàn toàn giống t của tiếng Việt, không bật hơi. Lưu ý nó không giống t của tiếng Anh. Đọc t mặc dù phiên âm /d/
  • E e: /e/ /ɛ/ /ə/   Có lẽ đây là kí tự dễ nhưng rắc rối, có khá nhiều cách đọc tùy vào phụ âm đứng đầu nó. Theo đó tương ứng là: ê, e, ơ/ưa trong tiếng Việt. Với người Việt thì nó rất đơn giản nhưng với những người nói tiếng Anh thì phát âm ưa là 1 việc rất khó
  • F f: /f/   Hoàn toàn giống PH trong tiếng Việt và F trong tiếng Anh.
  • G g: /g/   Tiếng Việt lại tỏ ra lợi thế, âm này đọc như chữ c trong tiếng Việt, không bật hơi. Lưu ý âm này không tương đương c/k trong tiếng Anh.
  • H h: /h/   Đây là 1 âm hơi khó cho người mới bắt đầu, đọc kh nhẹ, h nặng, lửng lơ giữa kh và h. Nếu cảm thấy khó thì hãy quy nó thành h, không được đọc thành kh.
  • I i: /i/, /ɨ/   1 âm rất dễ mà cũng khó, tương ứng cho 2 phiên âm là i hoặc ư trong tiếng Việt. Nhưng trong tiếng Anh nó lại không có âm nào tương ứng cho /ɨ/ cả, tiếng Việt lại thắng. Tùy vào cách kết hợp mà nó có cách đọc tương ứng (sẽ nói sau)
  • J j: /tɕ/   Tuyệt vời, nó hoàn toàn giống chữ ch trong tiếng Việt theo cách đọc của người miền trung hoặc miền nam: không dính lưỡi, dứt khoát và không xát. Lưu ý không đọc thành ch trong tiếng Anh.
  • K k: /kh/   Là 1 âm Kh rất mạnh, mạnh hơn Kh của tiếng Việt. Đôi khi nó lại giống /k/ của tiếng Anh.
  • L l: /l/   Đọc như L tiếng Việt.
  • M m: /m/   Đọc như M tiếng Việt.
  • N n: /n/   Đọc như N tiếng Việt.
  • O o: /o/   Đọc giống như Ô tiếng Việt. Một vài vị trí trong câu nó lái sang o/u (o chứ không phải ô).
  • P p: /p/   Cẩn thận với âm này vì tiếng Việt không có, khi đọc phải đọc chữ p bật hơi thật mạnh, nó giống hệt chữ p của tiếng Anh.
  • Q q: / tɕ'/   Lưu ý là không có âm Q nào ở đây cả, với người miền bắc thì nó hoàn toàn giống cách đọc chữ ch của họ: xát lưỡi, bật hơi mạnh. Có thể dùng ch của tiếng Anh thay thế nhưng khi đọc kéo dài hơn.
  • R r: /ʐ/   Là 1 âm hơi khó cho người miền trung và miền nam nhưng lại dễ cho người bắc. Đọc r nhưng dính lưỡi lên trên và quặt sâu lưỡi vào trong.
  • S s: /s/   Đọc hoàn toàn giống chữ x trong tiếng Việt hoặc chữ s trong tiếng Anh.
  • T t: /t/ Hoàn toàn giống TH trong tiếng Việt, hoặc th (think) của tiếng Anh
  • U u: /u/   Đọc như chữ u của tiếng Việt.
  • W w: /w/   Đọc như chữ u trong {héo úa, uốn éo} của tiếng Việt.
  • Y y: /j/   Đọc D thật nhẹ như chữ D của người miền nam. Tìm cách đọc D nhưng lưỡi không chạm vào vòm miệng là thành công.
  • Z z: /ts/   Là 1 âm hơi khó, nó hao hao C /ts'/ nhưng lại không nén hơi nhiều, khi đọc vẫn lẫn 1 phần nhỏ âm /z/ vào.

    © - N.B.Anh - 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét